30-10-2023
LNV - Ngày 5/3, Tiến sĩ Trần Thị Quốc Khánh, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cùng các cộng sự có mặt tại huyện Mê Linh để triển khai thực hiện Quyết định số 2954/QĐ-BKHCN ngày 10/10/2019 về việc phê duyệt nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu xây dựng làng nghề Sen phát triển bền vững gắn với du lịch tại Việt Nam”.
Đoàn nghiên cứu cùng Đại biểu quốc hội Trần Thị Quốc Khánh khảo sát tại HTX Làng nghề Sen Mê Linh
Buổi làm việc có sự tham gia của đoàn Nghiên cứu gồm có: Tiến sĩ Trần Thị Quốc Khánh Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội – Chủ nhiệm đề tài; Bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp; GS.TS Đinh Văn Chiến – Viện trưởng viện KHCN tự động hóa và môi trường… Về phía UBND huyện Mê Linh có sự tham gia của ông Lê Văn Khương - Phó Chủ tịch UBND huyện, cùng đại diện lãnh đạo các phòng ban chuyên môn của huyện.
Tiến sĩ Trần Thị Quốc Khánh, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội phát biểu tại cuộc họp
Tại cuộc họp, Đại biểu quốc hội Trần Thị Quốc Khánh đã trình bày chi tiết kế hoạch triển khai nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia về phát triển làng nghề Sen.Theo kế hoạch đề ra, mục tiêu chính của đề tài là ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để xây dựng một số làng nghề Sen phát triển bền vững gắn với du lịch ở Việt Nam. Mục tiêu cụ thể là: lựa chọn bộ giống Sen phù hợp cho mỗi vùng; xây dựng được các bộ tài liệu về quy trình công nghệ trồng trọt Sen phù hợp với các vùng, hoàn thiện cấu trúc làng nghề Sen gắn với du lịch tại Việt Nam.
Xây dựng được ít nhất ba mô hình làng nghề Sen gắn với du lịch tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế và Đồng Tháp, nghiên cứu bổ sung thêm huyện Lý Nhân (Hà Nam). Mô hình sẽ tạo được một số sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn Việt Nam, nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững cho nghề trồng sen ở Việt Nam.
Đoàn nghiên cứu chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo UBND huyện Mê Linh
Để thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra, Chủ nhiệm đề tài Tiến sĩ Trần Thị Quốc Khánh đề nghị các đơn vị có liên quan của UBND huyện Mê Linh phối kết hợp với nhóm nghiên cứu để thực hiện một số hoạt động: điều tra khảo sát, lựa chọn địa điểm xây dựng mô hình làng nghề Sen, nghiên cứu lựa chọn giống sen phù hợp, quy trình chế biến và bảo quản các sản phẩm từ sen, xây dựng mô hình Làng nghề Sen, tổ chức xúc tiến thương mại các sản phẩm từ sen…Với những đề nghị từ nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Trần Thị Quốc Khánh, đại diện lãnh đạo huyện Mê Linh, ông Lê Văn Khương - Phó Chủ tịch huyện cho biết, tổng diện tích trồng sen trên địa bàn huyện khoảng 60ha tập trung tại xã Mê Linh (50ha) và rải rác tại các xã Tam Đồng, Chu Phan, Tiền Phong. Mục tiêu của nghiên cứu khoa học về làng nghề Sen của nhóm nghiên cứu phù hợp với định hướng phát triển của huyện Mê Linh về việc nhân rộng mô hình sản xuất sen tại các vùng trũng.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh và Ủy viên Ban biên tập Tạp chí Làng nghề Việt Nam Trần Hải Nam trao đổi về dự án làng nghề Sen.
Được biết, năm 2017, Tiến Sĩ Trần Thị Quốc Khánh đã phối hợp với Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận (ở Đội 13, Thôn Hạ, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội) triển khai thành công lấy sợi từ tơ sen. Bà Phan Thị Thuận đã lần đầu tiên dệt vải lụa từ tơ sen thành công, trở thành người Việt Nam đầu tiên dệt vải từ tơ sen…Bà Trần Thị Quốc Khánh (bên trái) và bà Nguyễn Thị Mai Hoa là hai nữ Đại biểu Quốc hội tâm huyết với dự án về làng nghề Sen
Từ thành công bước đầu, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh sẽ cùng các cộng sự của mình tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo và phát triển hơn tiềm năng từ cây sen của Việt Nam. Dự án “Nghiên cứu xây dựng làng nghề Sen phát triển bền vũng gắn với du lịch tại Việt Nam”, dự kiến sẽ nâng tầm Sen Việt lên một tầm cao hơn, xứng đáng với danh xưng được nhiều người ưu ái gọi là quốc hoa của Việt Nam, biểu tượng đi cùng hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.