TTTĐ - Mỗi năm, đầm sen của anh Lã Quang Khanh (Mê Linh, Hà Nội) cung cấp ra thị trường trên dưới 1 triệu bông hoa, giá trị khoảng 2,5 tỷ đồng. Ít ai biết rằng, đầm sen hái ra tiền của anh Khanh xưa kia vốn là vùng đất ngập úng, gần như hoang hóa. Bằng bàn tay và trí tuệ, cùng sự kiên trì hiếm có, anh Khanh đã mang lại sức sống mãnh liệt cho diện tích 50 hec-ta ruộng một vụ. Bản thân anh trở thành điển hình sản xuất giỏi tại địa phương, được nhiều người mến mộ.
Dâng đời một triệu bông sen
Thời tiết Hà Nội chuyển dần về cuối hạ. Nắng vẫn đổ xuống chang chang nhưng gió đã thổi phây phây, làm tâm trạng con người thư thái đôi chút giữa những căng thẳng, mệt mỏi vì dịch bệnh. Anh nông dân Lã Quang Khanh (sinh năm 1975, trú tại thôn Liêu Trì, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội) dường như có niềm vui to lắm, bởi anh cứ nhìn ra đầm sen bát ngát mủm mỉm cười.
Anh Khanh sở hữu đầm sen trên 50 héc-ta, cung cấp khoảng 1 triệu bông mỗi năm |
Đầm sen của anh Khanh lớn đến bất ngờ. Người viết đã có nhiều dịp đến thăm các cánh đồng sen bát ngát ở Gò Tháp (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp), Trà Lý (Quảng Nam) hay gần hơn là Văn Giang (Hưng Yên) song có lẽ không nơi nào rộng mênh mông như đầm sen của anh Khanh tại thôn Liễu Trì. Anh Khanh tự hào: “50 héc-ta tức là gần bằng diện tích một phường nhỏ ở trung tâm Hà Nội”.
Bà con trong làng thường trêu đùa rằng, tôi là đại gia chân đất. Những lúc ấy, tôi chỉ cười |
Nhìn cánh đồng sen đang vào chính vụ thu hoạch, anh Khanh khoe: “Hiện trung bình mỗi ngày tôi thu hái được khoảng 1 vạn bông, cao điểm lên đến 15.000 bông. Nhẩm tính, tổng số hoa thu được trong một vụ lên gần 1 triệu bông sen. Năm nay, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến giá sen giảm chỉ còn khoảng 2.000-2.500 đồng/bông, thậm chí có thời điểm rớt giá chỉ còn 1.500 đồng/bông.
Vượt lên khó khăn do dịch bệnh, tôi làm trà sen để dành cho những người sành uống trà. Cứ mỗi bông trà sen, tôi thu từ 25.000 đến 30.000 đồng, tùy vào chất lượng từng loại sản phẩm. Như vậy, mỗi vụ sen, doanh thu của tôi đạt khoảng trên dưới 2,5 tỷ đồng, trừ đi chi phí lãi khoảng 300 - 500 triệu đồng”.
Từ diện tích đất lúa bạc màu, anh Khanh đã cải tạo trở thành đầm sen mang lại hiệu quả kinh tế cao |
Chưa dừng ở đó, anh Khanh đã và đang thực hiện kế hoạch trồng đa dạng các loại sen phục vụ nhu cầu chơi hoa, ướp trà. Ngoài ra, một phần diện tích anh duy trì nuôi trồng thủy sản. Giá trị mang lại từ trồng sen, nuôi trồng thủy sản cao gấp 3 - 5 lần canh tác lúa truyền thống.
Thừa thắng xông lên, người nông dân sinh năm 1975 tiến hành thủ tục thành lập “Hợp tác xã làng nghề sen Mê Linh” và đăng ký thương hiệu “Bạch thiên sen Hải Linh”. Có thể nói, anh Khanh đang đạt được những thành công bước đầu tươi đẹp trên mảnh đất quê hương, đồng thời, tương lai cũng đầy hứa hẹn với người đàn ông dám nghĩ, dám làm này. Sự thành công hôm nay của anh bắt đầu như thế nào?
"Bắt" đất bạc màu "nở hoa"
Trong suốt nhiều năm, vì các lý do khác nhau, diện tích đất trồng lúa tại thôn Liễu Trì (xã Mê Linh) thường xuyên bị ngập úng, thậm chí, không ít cánh đồng bị bỏ hoang hóa. Mỗi năm, bà con chỉ gieo cấy được một vụ lúa nhưng năng suất thấp, giá trị kinh tế không cao. Do đó, nhiều hộ dân đã bỏ không những diện tích đất này.
Bên cạnh bán hoa sen, anh Khanh còn sản xuất trà sen |
Là người con của quê hương Liễu Trì, chứng kiến những cánh đồng bạc màu, bị hắt hủi, hoang phế, anh Lã Quang Khanh rất buồn bã. “Mỗi tấc đất đều là tấc vàng”, anh thầm nghĩ. Sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, anh Khanh hạ quyết tâm sẽ làm giàu trên chính mảnh đất bạc màu của quê hương. Nghĩ là làm, từ năm 2011, anh Khanh đã thuê đất nông nghiệp của các hộ không canh tác để nuôi trồng thủy sản. Thời gian đầu mới bắt tay vào sản xuất, do thiếu kinh nghiệm, ít hiểu biết kỹ thuật nên giá trị đem lại từ nuôi trồng thủy sản không cao.
Năm 2016, anh Khanh chuyển sang trồng sen. Từ những kiến thức thông qua sách vở và học tập ở bạn bè, anh Khanh rút ra rằng, sen có sức sống mãnh liệt, gần như không có sâu bệnh nên việc trồng không quá khó. Anh bắt đầu trồng sen trên diện tích 5 héc-ta.
Hiện trung bình mỗi ngày tôi thu hái được khoảng 1 vạn bông, cao điểm lên đến 15.000 đông. Nhẩm tính, tổng số hoa thu được trong một vụ lên gần 1 triệu bông sen. Như vậy, mỗi vụ sen, doanh thu của tôi đạt khoảng trên dưới 2,5 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 300-500 triệu đồng. |
Đến năm 2017, anh Khanh tiếp tục đàm phán với các hộ dân trong thôn để thuê đất trồng sen. Năm đó, anh đồng ý trả cho người dân 25kg thóc/sào/năm và thuê lại khoảng 20 héc-ta đồng trũng.
Đứng trước cánh đồng phủ kín bèo tây, cỏ lác mọc um tùm, vợ anh lắc đầu ngán ngẩm. Ngược lại, bản thân anh Khanh lại nhìn thấy cơ hội đổi đời. Anh thuê người dọn dẹp, cải tạo suốt gần 1 năm trời. Làm được đến đâu, anh bắt đầu trồng sen đến đó. Lúc ấy, do chưa có kinh nghiệm, anh trồng giống sen quỳ để lấy hạt nhưng năng suất không cao, bị chuột bọ phá hoại gần hết. Thu không đủ bù chi khiến anh lỗ cả trăm triệu đồng. Những tưởng anh sẽ nản chí song nghị lực của người đàn ông này lại lớn đến không ngờ.
“Vấn đề lúc đó là tôi vẫn chưa thuê được mặt nước lớn, nhà này cho thuê, nhà khác không đồng ý, nên đầm sen mỗi nơi một ít, rất khó để canh tác”, anh Khanh phân tích. Để mở rộng đầm sen, tiện cho canh tác quy mô lớn, năm 2018, anh tiếp tục đi vận động người dân cho mình thuê ruộng. Mỗi năm mở rộng thêm vài chục héc-ta, đến nay diện tích đầm sen của anh Khanh đã vượt quá 50 héc-ta. Thay vì trồng giống sen lấy hạt như trước, hiện nay, anh chọn trồng loại sen phục vụ nhu cầu chơi hoa và ướp trà là sen bách diệp. Ngoài ra anh còn trồng sen bạch liên có giá trị kinh tế cao, kén người chơi.
Mỗi mùa thu hoạch sen (từ tháng 5 - 7 hằng năm), anh Khanh cùng với hàng chục nhân công tất tả từ sáng sớm. Sen hồng dùng để ướp trà phải được thu hái từ sớm tinh mơ. Bởi tầm 4 - 5 giờ sáng, lúc đó búp hoa sen vừa chớm nở sẽ giữ được trọn vẹn mùi hương. Sen trắng thì được hái vào buổi chiều cho kịp chuyến chợ đêm chở đi khắp Thủ đô phục vụ khách.
“Bà con trong làng thường trêu đùa rằng tôi là đại gia chân đất. Những lúc ấy, tôi chỉ cười”, anh Khanh tâm sự và hồ hởi nói: “Làm ăn, cố gắng, vất vả cũng vì phát triển kinh tế cho gia đình và địa phương. Thành tựu lớn hơn của tôi là khiến cho mảnh đất bạc màu của quê hương đẻ ra tiền. Nói đúng hơn là đất lành đã nở hoa!”.