Cánh đồng sen của Lã Quang Khanh tại thôn Liễu trì, xã Mê Linh, huyện Mê Linh
Có ý tưởng xây dựng và nung nấu ý định từ năn 2015, nhưng do bà con nhân dân còn nhiều băn khoăn nên thời gian đầu khởi nghiệp với anh Khanh còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với nhiệt huyết và sự chân thành, anh đã vận động góp đất thành công và tạo được niềm tin với 500 hộ dân trong thôn Liễu Trì (xã Mê Linh) với diện tích gần 50ha
Năm 2016, anh Khanh bắt đầu với giống sen Quỳ lấy hạt, lấy bát nhưng đem lại hiệu quả kinh tế chưa cao. Đến năm 2018, anh đã tự mình đi tìm hiểu ở những vùng trồng sen, học hỏi thêm kinh nghiệm từ các chuyên gia về sen anh Khanh đã quyết định chuyển sang trồng và phát triển nhân giống hai loại sen chính đó là: sen trắng Bạch Liên và sen hồng Bách Diệp đều xuất xứ từ giống sen cổ Hồ Tây
Đến nay, toàn bộ quy mô trồng sen của anh Khanh lên đến 130 mẫu đã được phủ kín sen. Đồng thời tạo công ăn việc làm cho khoảng 30 nhân công, có thu nhập ổn định từ 200.000 – 300.000đ/người/ngày. Riêng với các hộ gia đình được thuê lại đất, anh Khanh sẽ trả theo hình thức sản lượng 25 kg thóc/ 01 sào đất thuê lại
Ngoài cung cấp chủ yếu là sen bông phục vụ nhu cầu chơi hoa cắm cho thị trường thì anh Khanh cùng gia đình cũng đã tự xây dựng và phát triển quy trình ướp trà bông sen riêng. Anh Khanh chia sẻ: “Để có được một bông trà sen thơm, ngon, đượm vị đặc trưng của sen nhưng cũng không mất đi vị thơm chát vừa đủ của trà thì đòi hỏi quy trình sản xuất phải là 100% làm thủ công. Bắt đầu từ sớm tinh mơ, mọi người đã phải chèo thuyền đi tìm và chọn những bông sen mới nở chúm chím vì những bông như vậy vẫn còn giữ được hương của sen. Hái làm sao để tránh bị dập nát, nhàu cánh hoa, vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của trà. Sau đó về thả trà khô vào giữ bông, rồi cắm vào nước trong 24 tiếng. Khi bông đã hút đủ nước thì đưa vào đóng gói và hút chân không, cuối cùng là cấp đông sản phẩm. Ngoài ra, chúng tôi còn làm cả trà sen khô nhưng quy trình cầu kỳ và cần sự tỉ mỉ hơn. Phải tách gạo trắng trong bông sen ra rồi ủ với trà khô khoảng 6-7 tuần để trà và sen ngấm vị vào nhau. Rồi cuối cùng cũng mang đi cấp đông để sử dụng. Vì là sản xuất thủ công 100% là sức người, hơn nữa sen trồng trong môi trường hữu cơ nên thời gian sử dụng các sản phẩm trà sen từ hơn 1 năm trở lên và rất an toàn.”
Mỗi năm, gia đình anh Khanh cho ra thị trường khoảng 1,5 – 2 tấn trà sen. Và để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ thì anh Khanh cũng đã hợp tác với các HTX trồng chè tại xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn). Cứ vào mùa thu hoạch (từ tháng 5 đến tháng 9 dương lịch) anh Khanh cùng các nhân công phải dậy đi thu hái từ 3-4 giờ sáng. Trung bình một ngày sẽ thu hái được khoảng 10.000 bông. Qua một vụ anh Khanh thu hoạch được khoảng trên dưới 1 triệu bông với giá bán ra thị trường dao động từ 1.500 – 2.500đ/bông. Doanh thu đạt khoảng 2 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí thì anh Khanh thu về khoảng 400-500 triệu đồng – anh Khanh cho biết thêm.
Năm 2020, phòng Kinh tế huyện Mê Linh đã hỗ trợ được bộ nhận diện thương hiệu “Trà sen Mê Linh”, phấn đấu trong thời gian sớm nhất đưa sản phẩm “Trà sen Mê Linh” được cấp sao OCOP trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm của xã Mê Linh, huyện Mê Linh để việc tiêu thụ sản phẩm trà sen được rộng rãi và phổ biến hơn trên thị trường
Sản phẩm sen Mê Linh
Theo ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn Hà Nội: Sản phẩm hoa sen, trà sen tuy mới phát triển nhưng cũng đã được huyện Mê Linh hỗ trợ, xây dựng nhãn hiệu “Bạch thiên sen Hải Linh” và đem đi các hội nghị, hội chợ để quảng bá, giới thiệu rộng khắp. Tuy nhiên muốn phát triển bền vững hơn sen ở đây phải hình thành làng nghề, kết hợp giữa sản xuất và du lịch để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị trên một đơn vị canh tác. Khi có làng nghề sen cũng là thêm một nét độc đáo trong bộ sản phẩm Ocop, trong quá trình xây dựng nông thôn mới của huyện Mê Linh.
Tuy gian nan, vất vả, nặng nhọc là thế, nhưng nhờ vào nghị lực, sự đam mê, cần mẫn, chịu thương chịu khó và kiên trì, “anh nông dân” Lã Quang Khanh không chỉ biến cánh đồng từng bị bỏ hoang thành mảnh đất nở những bông hoa thanh tao, thoát tục “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” mà còn đem lại nguồn thu nhập kinh tế cho rất nhiều người. Trong tương lai không xa, anh Khanh sẽ cố gắng phát triển “mảnh đất nở hoa” này thành khu du lịch sinh thái kết hợp trồng và sản xuất, xây dựng sản phẩm OCOP mang thương hiệu “Trà sen Mê Linh”.